PHẠT VI PHẠM HÀNH VI SỬ DỤNG DỮ LIỆU BẢN ĐỒ XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ VIỆT NAM
22/07/2023

Thời gian gần đây, vấn đề về một số tổ chức sử dụng dụng thông tin, dữ liệu bản đồ thiếu chính xác, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đang gây bức xúc rất lớn trên tất cả các diễn đàn xã hội và trong mỗi người dân Việt Nam yêu nước. Đây cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan chức năng, cần phải có những biện pháp siết chặt quản lý và có chế tài xử lý mạnh tay hơn về hành vi vi phạm này.

Từ trước đến nay, vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là hai quần  đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp tại một số đảo luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Bản thân Goong là một đơn vị chuyên cung cấp về dữ liệu bản đồ, Maps API của Việt Nam, luôn ấp ủ xây dựng một hệ thống bản đồ số Maps API “Made in Viet Nam” lại càng phải thật sự chú trọng những vấn đề này. Tại bài viết này, hãy cùng Goong tìm hiểu các vấn đề xoay quanh về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quy định của pháp luật về việc sử dụng bản đồ, dữ liệu bản đồ xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện tại.

(Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam)

Cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam Hiện đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.

Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít nhất là từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình. 

Các hoạt động này được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử như “Toàn tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Tự Công Đạo (1686) hay Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn (1776)…

Nhiều tài liệu lịch sử khác như sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Hoàng Việt dư địa chí”… thậm chí còn mô tả rõ ràng hơn việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước ta.

Các tài liệu lịch sử của Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo rất nhiều và điều quan trọng là tất cả đều khớp với các tài liệu nước ngoài đáng tin cậy. Tiêu biểu có thể kể đến nhiều bản đồ, sách địa lý từ xa xưa của nước ta như Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam Nhất Thống chí (1882)…

(An Nam Đại quốc họa đồ và Đại Nam thống nhất toàn đồ)

Tìm hiểu thêm: https://goong.io/tin-tuc/du-lieu-ban-do-thieu-chinh-xac-van-tai-cong-nghe-lao-dao/

Những tài liệu lịch sử được lưu lại, dù đã trải qua chiến tranh thất lạc trong suốt cả hàng trăm năm qua và sự khẳng định từ rất nhiều các hội nghị quốc tế như Hội nghị Cairo (1943), Hội nghị Posdam (1945), Hội Nghị San Francisco, (1951), Hội Nghị Geneva  (1954), Hội nghị Pasri (1973….cùng với phán quyết của Tòa trọng tài hồi (07/2016) trong vụ kiện giữa Philipines và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông hoàn toàn đủ cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý để Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu phi pháp của Trung Quốc về Biển Đông. Trung Quốc với chủ nghĩa bành trướng tham lam của mình, đã có những hành động trắng trợn và ngang ngược như vạch ra luận điệu đường 9 đoạn (hay còn gọi là đường Lưỡi bò), chiếm giữ trái phép 1 số đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đây được coi là hành vi đổi trắng thay đen, coi thường luật pháp quốc tế.

Các quy định về việc xử phạt vi phạm đối với hành vi sử dụng bản bản đồ, dữ liệu bản đồ thiếu chính xác, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Vậy, các quy định của pháp luật hiện tại về việc xử phạt đối với các đơn vị sử dụng bản đồ, dữ liệu bản đồ xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam như thế nào? Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là gì? hãy cùng Goong tìm hiểu sau đây.

Xử phạt vi phạm

Căn cứ theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 18/2020/NĐ-CP quy định như sau: 

“Vi phạm quy định về xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ…”

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

Như vậy, tổ chức có hành vi lưu hành, sử dụng bản đồ xâm phạm quyền lãnh thổ quốc gia, không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ là một trong những hành vi vi phạm quy định về xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ và có thể bị phạt tiền lên đến 80 triệu đồng.

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung đối với tổ chức sử dụng bản đồ xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Ngoài hình thức xử phạt chính như đã nêu, pháp luật còn quy định rất rõ về hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi này như sau:

  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 2, 3 Điều này;
  • Cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, 3 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, ngoài bị phạt tiền thì tổ chức có hành vi lưu hành, sử dụng bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có liên quan đến hành vi vi phạm.  

Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức sử dụng bản đồ xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam?

Ngoài những hình thức xử phạt hành chính, xử phạt bổ sung thì biện pháp khắc phục hậu quả là gì?

Căn cứ theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 18/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 8 Điều 4 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Vi phạm quy định về xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ

Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc cải chính thông tin, sửa chữa dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
  • Buộc thu hồi dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ đối với hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
  • Buộc tiêu hủy sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ đối với hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;
  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này
  • Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

Như vậy, tổ chức có hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo quốc gia qua việc lưu hành, sử dụng bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ sẽ phải khắc phục hậu quả bao gồm:

– Buộc cải chính thông tin, sửa chữa dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ;

– Buộc thu hồi dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ;

– Buộc tiêu hủy sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ;

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được;

– Buộc nộp lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó do thực hiện hành vi trên.

Đối với Goong, là một đơn vị cung cấp dữ liệu bản đồ tại Việt Nam, Goong luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm bản đồ đúng đắn nhất, mang đến cho người dùng một nền tảng bản đồ số đầy đủ thông tin dữ liệu về biển đảo, góp phần vào việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Cùng Goong lan tỏa rộng rãi nền tảng bản đồ số “Made in Viet Nam” – không chỉ cho người Việt mà còn lan tỏa rộng rãi chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên trường quốc tế tại: https://account.goong.io/login