Tạo hành lang pháp lý về đo đạc và bản đồ 
20/01/2024

Nghị quyết số 40/NQ-CP về Chiến lược phát triển ngành đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia xác định Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ. 

Quan điểm Nhà nước đối với vấn đề phát triển ngành đo đạc bản đồ

Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí và hội nhập quốc tế.

Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tiếp cận để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cung cấp dữ liệu mở và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao, tiên tiến; đẩy mạnh đào tạo, thu hút tài năng trẻ, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tăng cường hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ.

Theo đó các Bộ, ban ngành cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng đo đạc, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

Một trong những nội dung cấp thiết chính là yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải đảm bảo đồng bộ, chính xác, thuận tiện cho việc dùng chung.

Mục tiêu

Đến năm 2030 sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ, Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực

Tầm nhìn đến 2045 Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển, phấn đấu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Nhiệm vụ và giải pháp

Theo đó, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ rõ ràng cho các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ theo hướng kiến tạo thể chế để phát triển bền vững, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với trình độ khoa học công nghệ đo đạc và bản đồ, điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. 

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng đo đạc, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ này, các cấp, ngành cần rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu không gian địa lý, siêu dữ liệu; các chuẩn phương pháp, chuẩn quy trình, chuẩn dịch vụ; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về kiến trúc hệ thống của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý gồm các tiêu chuẩn về kiến trúc mạng, hạ tầng thông tin mạng;  Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về dịch vụ hiển thị, chia sẻ, chuyển đổi, tích hợp, tra cứu và tải dữ liệu không gian địa lý.

Là một đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp liên quan đến bản đồ số, dữ liệu bản đồ Việt Nam, Goong luôn cố gắng hết mức để ngày càng hoàn thiện hệ thống dữ liệu của mình. Liên tục cập nhật và đảm bảo độ chính xác của dữ liệu, nhằm góp phần vào việc đồng bộ dữ liệu số, phục cho cho phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo An ninh quốc phòng, Chủ quyền quốc gia đặc biệt là các vùng biên giới và hải đảo.

Theo dõi Goong để cập nhật thêm các thể chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến việc phát triển ngày đo đạc, số hóa bản đồ.

(Nguồn: Nghị Quyết 40/NQ-CP về Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam)